Cá rồng là một trong những loại cá săn mồi được yêu thích nhất tại Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung. Ngoài ra, ở Châu Á, cá rồng còn đi kèm với nhiều giá trị phong thuỷ được người chơi coi trọng. Do vậy, việc chăm sóc và cho cá rồng ăn gì, từ lâu đã là một chủ đề tốn rất nhiều tâm sức của người chơi. Trong bài viết này, Vũng Tàu Fish Food sẽ chia sẻ về thức ăn và chế độ ăn của cá rồng.
Cá rồng ăn gì trong tự nhiên?
Như chúng ta đã biết, cá rồng là một trong những loại cá săn mồi cự phách nhất. Trong tự nhiên, chúng chủ yếu sống ở vùng ngập nước, nơi chúng ăn côn trùng và động vật nhỏ.
Hơn nữa, cá rồng còn ăn động vật lưỡng cư, động vật chân đốt và cá nhỏ. Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng cá đôi khi chúng ăn cả chim và động vật có vú.
Tuy nhiên, thực đơn yêu thích của chúng trong tự nhiên là động vật giáp xác và cá nhỏ. Do vị trí và kết cấu của miệng, cá rồng sẽ bơi ngay dưới mặt nước sau đó nhảy lên để bắt con mồi.
Bạn có thể tìm thấy nhiều video thú vị quay cảnh chúng nhảy từ dưới nước lên để bắt côn trùng trên cành cây. Chúng có thể bắt cá bằng cách bơi ngay bên dưới chúng trước khi phong lên và đớp gọn con mồi.
Nên cho cá rồng ăn gì?
Trong điều kiện nuôi nhốt trong bể kính, cá rồng được cho ăn nhiều loại thức ăn khác nhau, tuỳ thuộc vào thói quen và điều kiện chăm sóc, đôi khi là cả những suy nghĩ chủ quan hoặc những bí quyết chăm sóc được lan truyền trong giới người chơi. Dưới đây là những loại thức ăn dành cho cá rồng mà người chơi Việt Nam thường lựa chọn.
Cá mồi
Đây là các loại cá thương phẩm nhỏ, được cung cấp từ các trại cá giống như cá mè, cá trôi, cá trắm nhỏ. Cũng có những người chơi sử dụng các loại cá cảnh như cá vàng, mún, kiếm, harmony… để làm mồi. Đây là loại thức ăn khá thú vị, đem lại cho cá cảm giác săn đuổi như ngoài tự nhiên, và người chơi thì được thưởng thức màn rượt đuổi thú vị khi nuôi cá săn mồi. Tuy nhiên, đây lại là nguồn lây bệnh cực kỳ nguy hiểm, và không khuyến khích cho ăn.
Nếu vẫn muốn cho ăn cá mồi, bạn cần tuân thủ một số quy tắc sau để hạn chế rủi ro:
- Nên có bể nuôi riêng cá mồi để xử lý cá vài ngày trước khi cho ăn. Không nên đổ ngay vào bể sau khi mua từ các cửa hàng về. Do cá ở các cửa hàng được nuôi trong môi trường đông đúc và rất nhiều mầm bệnh.
- Cá mồi được cách ly trong môi trường nước muối 5-7/1000; sục Ozon…
- Khi cho ăn thì cho từng ít một để cá ăn hết mới cho thêm, và sau cá thừa cần được vớt ra khỏi bể chính, tránh để số lượng lớn bơi trong hồ cho cá rồng ăn dần.
Chạch
Đây là một loại thức ăn bỗ dưỡng và giúp cá lớn khá nhanh, vì vậy bạn cũng cần có lộ trình cho ăn hợp lý. Trong các bể nuôi cộng đồng, nên cắt Chạch ra thành khúc và xử lý nước muối. Vì cá Chạch khá khoẻ, chúng không chết ngay khi bị nuốt, có thể gây tổn thương nội tạng đối với Sam, một loại cá hay được thả cùng cá Rồng.
Tôm
Đây là loại thức ăn được rất nhiều người chơi lựa chọn vì rất nhàn, dễ tìm mua, dễ bảo quản, an toàn. Ăn tôm cũng rất tốt cho sức khoẻ của cá rồng. Tuy nhiên, vỏ tôm đông lạnh cũng có thể khiến cá rồng bị sình bụng. Và cá có thể lười ăn tôm khi đạt size lớn hoặc khi được thử cho ăn các loại thức ăn khác.
Khi cho ăn tôm, nên cắt đầu nhọn của tôm, đặc biệt là các loại tôm to. Chúng rất nguy hiểm đối với cá Sam. Rất nhiều Sam chết do tổn thương từ loại thức ăn này gây ra.
Không nên mua các loại tôm đông lạnh bán sẵn, loại này thường có chất bảo quản, gây khó tiêu, chướng bụng cho cá.
Dế
Dế là loại thức ăn rất khoái khẩu của cá Rồng. Tuy nhiên, nếu không có “nguồn” dế tốt, bạn không nên cho cá rồng ăn, bởi chúng dễ gây nghiện. Cá Rồng có thể bỏ ăn tôm nếu được cho ăn dế.
Một điểm cần lưu ý khi cho ăn dế là các con dế thoát khỏi miệng cá rồng, có thể bám vào giằng bể hoặc tấm chắn bể, khi cá rồng nhảy lên để đớp những con dế này có thể gây chấn thương, nhẹ thì sứt đầu, mất vẩy, nặng thì có thể văng ra ngoài. Do đó, cần xử lý triệt để dế thừa sau mỗi bữa ăn.
Nhái
Nhái là một lựa chọn hàng đầu cho người chơi khi muốn bơm cho cá lớn nhanh. Đây là loại thức ăn nhiều dinh dưỡng, khá sạch, và xem cá ăn cũng rất thú vị.
- Cần hạn chế cho cá bị trề môi ăn.
- Khi cá không ăn hết, bạn cần vớt nhái ra khỏi bể, nhất là nhái đã bị cắn nát.
Sâu Super Worm
Sâu là loại thức ăn rất tiện, bạn chỉ cần một khay bảo quản, thỉnh thoảng đáp cho chúng một mẩu bánh mì, rồi lúc nào cần cho ăn là bốc vào bể thôi.
Cần lưu ý là cá có thể bị trĩ nếu bạn lạm dụng cho ăn sâu Super Worm.
Rết
Rất nhiều người chơi cá rồng Huyết Long thường xuyên cho ăn rết với hi vọng cá lên màu tốt hơn. Tuy nhiên, rết không có nhiều tác động tới việc lên màu của cá rồng. Trong rết có nọc độc mạnh, giúp cải thiện hệ tiêu hoá và tăng cường phòng bệnh cho cá. Không nên cho cá ăn rết đông lạnh, vì lúc này rết không còn giá trị gì cả, lại gây đầy bụng khó tiêu do lớp vỏ giáp xác của chúng.
Khi cho cá ăn, cần xử lý rết trước khi thả cho cá ăn. Thông thường, người chơi thường nhúng rết vào nước đá để cắt nanh của chúng. Tránh việc, chúng có thể cắn chết một số loại thả cùng cá rồng, cụ thể như Sam.
Giun đất
Đây là món ăn khoái khẩu, và rất ít cá rồng chê món này, kể cả những con cá rồng kén ăn. Tuy nhiên loại thức ăn này sẽ làm cá béo và nghiện, dễ bỏ ăn các loại thức ăn khác, và chất thải của cá khi ăn giun cũng rất bẩn bể cá.
Gián
Một số người chơi cũng thường cho cá ăn gián, gián nuôi có mà gián bắt ngẫu hứng tại nhà cũng có. Cá rồng thì ăn thì cũng vô tư thôi, nhưng loại này dễ dính các loại thuốc chống côn trùng, nên không khuyến khích cho ăn.
Thạch Sùng
Đây là loại thức ăn đặc biệt, trước đây thường là anh em tự túc, thỉnh thoảng vồ được thì cho cá ăn. Hiện nay đã có một số anh em bán số lượng để phục vụ người chơi. Cá rồng cũng rất thích ăn Thạch Sùng, tuy nhiên việc bảo quản và cho ăn loại này không phù hợp với số đông người chơi.
Thức ăn viên
Đây là loại thức ăn công nghiệp, tuy không phổ biến ở một số nước nhiệt đới sẵn “mồi tươi” như Việt Nam, nhưng rất phổ biến ở các nước xứ lạnh như Châu Âu. Việc huấn luyện cá ăn thức ăn khô là khá vất vả, và không phải người chơi nào cũng đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để “ép” được cá rồng ăn thức ăn viên. Tuy nhiên, nếu huấn luyện được, việc chơi cá của bạn trở nên vô cùng nhàn hạ.
Một số lưu ý trong chế độ ăn của cá rồng
Cá rồng vốn là loại cá ăn tạp, bạn nên xây dựng một thực đơn đa dạng, phong phú để đảm bảo cá sinh trưởng và phát triển tốt.
Lượng thức ăn vừa phải, tránh cho cá béo phì, gây ra nhiều vấn đề về sức khoẻ, ảnh hưởng tới việc chăm sóc lâu dài nhiều năm.
Thức ăn thừa, cần được vớt ra khỏi bể sau mỗi lần cho ăn. Nhất là các loại thức ăn tươi.