Tảo, ký sinh trùng và các bệnh do vi khuẩn gây phiền toái trong bất kỳ bể cá – hồ koi nào. Không có gì chán nản hơn việc tốn ​​hàng giờ bảo trì bể cá một cách tỉ mỉ mà vẫn không giải quyết được vấn đề một cách triệt để. Nếu nước nâu đục hoặc thâm đen âm u, xanh mờ hoặc các bệnh dai dẳng lâu lâu lại xuất hiện gây bệnh cho bể cá của bạn, hãy cân nhắc giải quyết vấn đề bằng máy khử trùng tia cực tím hay còn được gọi ngắn gọn là đèn UV.

Một số nguyên nhân gây ra tảo và dịch bệnh

Ngay cả những bể cá được chăm sóc tốt nhất cũng có thể là nơi trú ẩn của tảo hung hãn. Việc cho cá ăn bình thường, “chất thải” từ hệ thống lọc sinh học và hoạt động của các cư dân trong bể đều tạo ra nguồn dinh dưỡng dồi dào cho tảo. Ngoài ra, bể cá – hồ koi cũng được tiếp xúc với ánh sáng thường xuyên từ hệ thống đèn chiếu sáng hoặc mặt trời. Hai yếu tố này, đều kích thích sự phát triển của tảo. Xét cho cùng, tảo về bản chất là thực vật, và tất cả thực vật đều phát triển mạnh nhờ chất dinh dưỡng và ánh sáng.

Tương tự như vậy, bất kỳ bể cá nào – mới set hay đã vận hành ổn định – đều rất dễ bị nhiễm ký sinh trùng và vi khuẩn. Dù là các mầm bệnh tự phát triển trong bể của bạn tới mức độ gây bệnh hay từ nguồn mới bên ngoài, thì ký sinh trùng và vi khuẩn vẫn tàn phá bể cá của bạn nhanh chóng. Vấn đề phức tạp hơn nữa là đôi khi, các giai đoạn đầu của ấu trùng và mầm nấm bệnh đều khó quan sát và phát hiện. Chúng ta thường chỉ phát hiện ra khi hệ thống miễn dịch của các cư dân trong bể bị suy yếu và nhiễm bệnh. 

Vấn đề chính với tảo, ký sinh trùng và vi khuẩn là khi chúng phát triển ở giai đoạn đầu mình không nhìn thấy được. Những người chơi chỉ nhận thức được sự hiện diện của chúng sau khi sự phiền toái đã bắt đầu mạnh mẽ. Làm sạch kỹ càng, bảo trì bộ lọc và cách ly nhanh chóng bất kỳ loài cá cảnh thuỷ sinh nào bị nhiễm bệnh vẫn là những cách tốt nhất để ngăn ngừa các thảm hoạ. Thuốc cũng có hiệu quả, tuy nhiên, chúng phải được kiểm soát cẩn thận nếu không có thể gây ra các hậu quả trầm trọng hơn. 

Từ tình huống thực tế đó, đèn UV xuất hiện và là một bổ sung hiệu quả cho hầu hết mọi bể cá – hồ koi. Ánh sáng tia cực tím nhắm vào các vi sinh vật nhỏ nhất mà không gây hại cho cá và các loại cây thuỷ sinh. Nó rút ngắn vòng đời của các vi sinh vật, hạn chế sự lây lan. Do đó, một tế bào nhỏ, đơn lẻ ít có cơ hội phát triển thành  dịch bệnh hoặc tảo nở hoa khắp bể.

Lưu ý khi lựa chọn và lắp đặt đèn UV trong bể cá – hồ koi

Nên lắp đặt trong ngăn bơm hoặc Lắng của bể lọc

Bổ sung đèn UV vào hệ thống bể cá cũng giống như mua bảo hiểm cho ngôi nhà hay xe ô tô của bạn. Việc sử dụng chúng như một giải pháp chăm sóc bể cá tiêu chuẩn, như thay nước và vệ sinh bể lọc. Tia cực tím chỉ nhắm vào các vi sinh vật trôi nổi tự do, không gây hại cho cá, chất nền, thực vật, đồ trang trí và cây thuỷ sinh.

Lựa chọn công suất và hình dạng đèn phù hợp với thể tích bể và hệ thống lọc mà bạn đang sử dụng. Có loại đèn UV thiết kế cho lọc thùng, có loại thiết kế cho hệ thống lọc tràn trên, có loại thiết kế cho hệ thống lọc tràn dưới, có loại thiết kế cho hệ thống lọc âm của hồ koi. Lưu lượng nước qua đèn cũng cần phù hợp với các thông số mà nhà sản suất cung cấp.

Đèn UV thường lắp đặt ở cuối cùng của bể lọc, sau quá trình lọc sinh học, và không để ánh sáng đèn chiếu trực tiếp lên vật liệu lọc. Đối với hệ thống lọc tràn trên, đèn thường được để ở ngăn nước cuối cùng trước khi chạy qua ống thu nước trả vào bể. Đối với hệ thống lọc tràn dưới, đèn UV thường được đặt ở ngăn cuối cùng gần máy bơm hoặc ngăn máy bơm bơm nước trả lại bể. Đối với các hệ thống lọc vách, đèn uv cũng được đặt ở ngăn máy bơm hoặc vách lọc cuối cùng.

Đối với hồ koi, có 2 lựa chọn đặt đèn UV. 1 là đặt ở ngăn lắng, nếu diện tích ngăn lắng đủ lớn và có thiết kế khoảng trống lớn để để đèn không bị vướng chổi lọc. Để đèn ở ngăn này thì phải thường xuyên vệ sinh đèn vì chất thải từ hồ sẽ bám rất nhiều trên bề mặt đèn. 2 là đặt đèn ở ngăn bơm, đối với những bể lọc nhỏ, ngăn lắng nhỏ và xếp kín chổi thì đây là lựa chọn tốt nhất. Nên để đèn thẳng đứng, hạn chế nhét vào góc hoặc sát cạnh các ống, tường làm giảm góc chiếu sáng của đèn. Thể tích được chiếu sáng càng lớn thì hiệu quả càng cao.

Không để đèn UV trực tiếp vào trong bể cá – hồ koi. Ánh sáng của đèn có thể gây nguy hại với cá, cây thuỷ sinh và thậm chí cả con người. Khi vệ sinh bộ lọc, cần ngắt đèn, khi thử hay kiểm tra đèn cũng tránh nhìn quá vài giây vào đèn ở khoảng cách gần.

Trong thời gian bổ sung vi sinh vào bể cá – hồ koi, cần tắt đèn 2-3 ngày để các lợi khuẩn có thời gian bám vào các bề mặt cố định. Hàng năm nên thay đèn để đảm bảo hiệu quả.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *